Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

ÔNG TRẦN VĂN TRUYỀN VÀ NHỮNG CÂU NÓI CHỐNG THAM NHŨNG


Ông Trần Văn Truyền 
và những câu nói chống tham nhũng nổi bật 

Thi Anh tổng hợp
Một thế giới 

Ông Trần Văn Truyền nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ từ năm 2007 đến năm 2011. Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. 

Vì vậy, với cương vị là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền đã có rất nhiều lần phát biểu trước báo giới liên quan đến các vấn đề, trường hợp tham nhũng, chống tham nhũng, chống tiêu cực tại Việt Nam. 

Mời bạn đọc cùng Một Thế Giới điểm lại một số câu nói nổi bật nhất của ông Truyền trong thời gian đảm nhiệm các trọng trách quan trọng. 

Xử lý tham nhũng cán bộ nghỉ hưu dễ hơn 

Năm 2005, khi còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, ông Truyền từng khẳng định rằng: Hiện nay tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp. Mức độ tổn thất do tham nhũng cũng lớn hơn.

"Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ... Nội vấn đề đất đai nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất hàng trăm tỉ đồng rồi", ông nói.

Bên cạnh đó, cách thức tham nhũng cũng rất đa dạng; có thể là vi phạm pháp luật để tham nhũng, cũng có thể bằng những cách rất hợp pháp như mua bán, đầu cơ đất đai.

"Song hợp pháp đến đâu, khi truy nguyên nguồn gốc cũng là tham nhũng. Vì nhờ có chức quyền, anh nắm được quy hoạch, đầu cơ đúng chỗ đúng lúc nên mới mua 1 đồng bán 10, 100 đồng. Biểu hiện tham nhũng rất rõ: một số cán bộ giàu lên nhanh chóng. Căn cứ đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng không thể lý giải được mức sống đó".

"Qua những vụ tham nhũng lớn vừa rồi, chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều. Còn người gián tiếp mà đang tại chức, họ chạy (chức) rất dữ".

Cũng trong bài báo đó, khi nói về vấn đề cán bộ kê khai tài sản, ông Truyền chắc nịch: "là cần thiết để giám sát, quản lý cán bộ... Trong nền kinh tế 2 mặt của chúng ta thì kê khai tài sản cũng chỉ mang tính tương đối. Có phải cái gì cũng thể hiện bằng nhà, đất. Ngay cả nhà, đất họ có đứng tên đâu; tiền cho con du học thì họ khai là cô dì, chú bác... cho (Pháp Luật TP.HCM, 5.7.2005). 

Cái chính là do phẩm chất đạo đức 

"Vị trí trách nhiệm của mình đang được người dân quan tâm, kỳ vọng, tôi ý thức được chuyện đó và sẽ làm hết sức mình, làm đầy đủ trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm.

Đúng là có những việc vượt ngoài khả năng của mình, thậm chí có việc trong khả năng nhưng không thể làm khác nữa được thì cũng phải chấp nhận, vì không thể một mình giải quyết được. Tôi sẽ suy nghĩ và tự thấy khi nào đó không hoàn thành nhiệm vụ hoặc dân hết tín nhiệm thì mình sẽ thôi, sẽ từ chức".

"Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc". "Cái chính là do phẩm chất đạo đức, họ không tự giữ mình" - (TTO, 30.3.2007).  

Càng công khai, càng minh bạch, càng dễ kiểm soát 

Bên lề cuộc đối thoại với các nhà tài trợ về phòng chống tham nhũng, ông Truyền cho biết Chính phủ đang xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Trong đó, theo ông công khai, minh bạch là vấn đề cốt lõi nhất, xương sống nhất. 

Càng công khai, minh bạch, càng kiểm soát được tình hình; nhất là công khai các hoạt động của bộ máy nhà nước, công khai các việc mà công chức nhà nước phải làm; từ đây công khai, minh bạch luôn cả về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức" - (TTO, 4.12.2007).  

Chỉ có báo chí chùng, cơ quan tham nhũng không chùng 

Về những vụ án tham nhũng được coi là “đầu voi đuôi chuột”, ông Truyền giải thích: "Có những vụ bản chất không nghiêm trọng nhưng do cách xử lý của các cơ quan chức năng chưa thật rõ ràng, dứt khoát đã dẫn đến hiểu lầm... Việc “chùng” xuống là do cách thông tin". 

"Nếu được nói trên diễn đàn Quốc hội, tôi sẽ nói công tác chống tham nhũng hiện không chùng xuống, nếu chùng xuống thì chỉ có báo chí chùng, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không chùng".

Đối với vấn đề cán bộ liệt kê - công khai tài sản, ông nói: “Luật không quy định công khai mà chỉ yêu cầu thẩm tra khi bị tố cáo, hay trước khi bổ nhiệm. Nếu thẩm tra thấy không đúng mới công khai. 

Hiến pháp đã quy định người dân có quyền giữ bí mật tài sản của mình. Nên chúng tôi không thể kiến nghị sửa hiến pháp được. Hiến pháp chưa sửa thì chưa thể công khai" - (TTO, 31.10.2008). 

Phải theo dõi cả hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ nghỉ hưu 

Giải thích lý do vì sao đợt kê khai tài sản của các bộ đầu tiên đầu tiên (31.12.2007) Thanh tra Chính phủ chưa đặt ra vấn đề các cán bộ, công chức đã kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, thì ông Truyền cho hay đây là nghĩa vụ và thực hiện theo pháp luật quy định. Nó mang tính pháp lý đối với cán bộ, công chức.

Ý nghĩa của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm mục đích xác lập hồ sơ kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức. Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào bảng kê khai này như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với tổ chức.

Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không trung thực sẽ bị xử lý. Hoặc sau này, tài sản của người đó có khác đi thì phải giải trình cho tổ chức một cách rõ ràng. Giải trình không rõ, có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật về tội không trung thực. 

Cũng theo ông, hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý - (VnEconomy 10.2.2009). 

Đấu tranh chống tham nhũng là phải biết hy sinh 

Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội trước phiên đối thoại với Tổ chức Minh bạch quốc tế về tham nhũng trong giáo dục (sáng 28.5.2010), Tổng thanh tra Chính phủ khi còn đương chức cho biết tham nhũng trong giáo dục đang phức tạp và khuyên những người đấu tranh phải biết hy sinh. Bản thân ông cũng phải hi sinh nhiều.

"Tiêu cực trong giáo dục vẫn tồn tại nhiều. Nói chung dư luận xã hội có nhiều, nhưng đánh giá vấn đề phải có những bằng chứng cụ thể".

"Đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong" - (TTO 28.5.2010). 

Khai là phải trung thực 

Sáng 14.6.2010 bên hành lang Quốc hội, ông Truyền đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến việc kê khai tài sản của ông Ðặng Hạnh Thu, người vừa bị cho thôi chức tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vào thời gian đó.

Cụ thể, dư luận và báo chí phản ánh ông Ðặng Hạnh Thu có nhiều lô đất ở Ðồng Nai, nơi ông này từng làm cục trưởng Cục Hải quan (trước khi làm tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Thu là phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).

Ông nói: "Thứ nhất, về đất mua như vậy là đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Thứ hai là có kê khai tài sản, và nói chung trong việc này nếu xét trên nhiều góc độ cũng không có vấn đề gì gọi là sai trái nghiêm trọng. Thế nhưng có việc anh là cán bộ mà mua quá nhiều đất. 

"Bây giờ tiền thì thiếu gì nguồn, chứ đâu phải mình hỏi lấy tiền đâu chung chung vậy. Hơn nữa vì gia đình vợ anh Thu làm doanh nghiệp, làm ăn kinh tế, có khả năng thì mua cũng là điều bình thường. Chỉ có chuyện trong thời điểm đó mà mua nhiều nền đất như thế thì người ta không đồng tình thôi. Chứ còn về tiền nong thì không có vấn đề gì khuất tất".

"Kê khai tài sản thì nhiều hay ít là do tài sản, khai phải trung thực chứ không lo khai nhiều thì sẽ có ý kiến này ý kiến khác", ông nói thêm - (TTO, 15.6.2010). 

Theo Một thế giới

13 nhận xét :

  1. Tôi đã nói rồi ! CHÁY NHÀ RA MẶT CHUỘT. Bây giờ mà công khai minh bạch , đừng tham ô tham nhũng gì cả, một cơ quan nào đó mới thành lập và sờ gáy vào các quan khác ( nhiều lắm) thì rất nhiều Quan dính chấu là cái chắc, không chạy đi đâu cả . Gần hết năm 2014 rồi, tôi đã để dành được 650000đồng , số tiền nầy tôi sẽ mua Bảo hiểm Y tế, lạy thời đừng đau nặng, vì đau nặng thì sau khi khám xong sẽ nghe được một câu : "Thuốc không nằm trong danh mục bảo hiểm!", Nhiệm vụ của mày là không được phép đau nặng, cùng lắm chỉ được đau cảm cúm nhức đầu sổ mũi thôi nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Nhìn cộng sản làm, đừng nghe cộng sản nói. He He

    Trả lờiXóa
  3. Nói được những lời như thế giữa thanh thiên bạch nhật, có nhân dân và quỷ thần chứng giám, rồi trong bóng tối lại làm ngược lại chính những tuyên ngôn của mình, thì quả thật, nhân cách đã tha hóa hết rồi! Có bác nào tính giùm khoảng bao nhiêu phần trăm cán bộ lãnh đạo cỡ UVTƯ Đảng giống như ông Truyền?
    Châm ngôn của ông Thiệu về CS quả là chí lí.

    Trả lờiXóa
  4. Đúng như các cụ nói " lém như VẸM ".

    Trả lờiXóa
  5. Cháy nhà ... ra mặt chuột. Đây có lẽ là con chuột tanh hôi nhứt những năm gần đây.

    Trả lờiXóa
  6. Các quan chức Thanh Tra kế nhiệm ô. Truyền cũng nói giống ô. Truyền . Như vậy là việc chống tham nhũng chẳng có tiến bộ mà tình hình tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn .

    Trả lờiXóa
  7. Nên cấp thêm cho đồng chí Truyền 1 căn phòng ở khu dân cư Chí Hòa.

    Trả lờiXóa
  8. ông này rất giỏi đóng kịch đánh lừa tai mắt nhân dân. Khi còn đương chức, lúc sống ở trong ngõ thái Hà 1, phố Thái Thịnh, Quận Đống Đa Hà Nội (cách nhà em 20 m), nhà ở khá khiêm tốn (50-60m2 sàn, xây 3 tầng), đêm nào cũng có 50-100 dân oan trong nam ngoài bắc nằm la liệt trên vỉa hè đợi đến sáng khi xe đến đưa rước ông ta đi làm thì tranh thủ ùa xúm vào dúi, gửi đơn thư kêu oan...Nhưng đơn từ chỉ rơi vào thinh không...Bây giờ mới rõ nhé, dân oan té ngửa hỡi ôi !!! Khổ thân dân oan và nhân dân mình lại đi tin vào "lãnh đạo"...

    Trả lờiXóa
  9. "Ban ngày quan sống như thần,ban đêm quan cũng lần mần như ma"câu này cấm sai với các quan ngày nay và vận vào ông Truyền thì quá chính xác.Những việc ông Truyền làm là lợi dụng chức vụ,gian dối để tham nhũng,coi như ăn của hối lộ với số tiền lớn,gây hoang mang trong dư luận,làm mất uy tín,mất lòng tin của nhân dân đối với hàng ngũ đảng viên lãnh đạo cao cấp,mất uy tín vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước.Không lẽ với tội trạng rõ như vậy chỉ thu hồi những tài sản đã tham nhũng,không qui vào tội,thì "công lý cũng chỉ là diễn viên hài".Vậy thì ai cũng dám tham nhũng,bị lộ thì trả lại là xong.
    Chấn Phong

    Trả lờiXóa
  10. Anh Truyền nói qúa đúng, cứ như là anh ấy đi guốc vào bụng ...anh ấy

    Trả lờiXóa
  11. Cách đây gần 40 năm mình còn nghi ngờ về câu nói của ông TT Nguyễn Văn Thiệu : < Đừng tin cộng sản nói - hãy xem cộng sản làm > . Hơn chục năm nay và nhất là hiện nay mình đã khẳng định ông Thiệu nói hoàn toàn chính xác 100% . Có lẽ khi bước vào giai đoạn hoàng hôn của sự sinh tồn , chế độ nào cũng rơi vào tình trạng như thế này . Vua quan ra sức vơ vét tham nhũng như đại dịch hạch , kinh tế kiệt quệ , lòng tin của dân bằng không , trí thức ngoãnh mặt ...Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói không sai chút nào .

    Trả lờiXóa
  12. Các anh chồng ngoại tình lúc nào chẳng nói rằng mình "rất là chung thủy với vợ con"?
    Hôm nay ở VN, chúng ta đang gặp hiện tượng: càng đểu giả càng "nói như hát hay"!

    Trả lờiXóa
  13. 100 năm nữa nhân dân Viet nam cũng đào mả thằng Truyền này lên .

    Trả lờiXóa